Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng ‘háo hức’ đẩy mạnh đầu tư, lên kế hoạch mở bán loạt dự án nghỉ dưỡng trước thềm mở cửa du lịch

Chia sẻ tin này:

Ngày 15/3 tới đây, du lịch Việt Nam sẽ được chính thức mở cửa sau hai năm gần như “đóng băng” vì dịch bệnh. Trước thềm mở cửa, hàng loạt doanh nghiệp BĐS đã liên tục rót vốn, khởi công hay lên kế hoạch mở bán các dự án nghỉ dưỡng như Tập đoàn FLC, nhóm Novaland, Phát Đạt, BIM Group, Tân Hoàng Minh, Bamboo Capital…

Giai đoạn 2020 – 2021, dịch Covid-19 bùng phát, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong nước theo đó cũng gần như bị “đóng băng”. 

Song, từ cuối năm ngoái đến nay, đặc biệt sau khi vắc-xin được phủ sóng, thị trường này đã dần trở nên sôi động trở lại với hàng loạt động thái đẩy mạnh đầu tư, đề xuất quy hoạch, khởi công, ra hàng,… của  các “ông lớn” bất động sản như Tập đoàn FLC, nhóm Novaland, Phát Đạt, BIM Group, Tân Hoàng Minh, Bamboo Capital…

 

Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp phần nhiều tập trung ở các tỉnh có tiềm năng du lịch lớn như Bình Thuận, Quảng Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, Kiên Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn…

Các “ông lớn” trong nước ồ ạt rót vốn đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng

Gần đây nhất, vào đầu tháng 3/2022, Công ty TNHH Sống Xanh – Hội An đã được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu căn hộ du lịch, thương mại Wyndham Grand Hoi An với diện tích là 5.616,4 m2. 

 

Cũng trong tháng 3, Tập đoàn Crystal Bay đã được chấp thuận nghiên cứu lập quy hoạch, đầu tư Khu du lịch Crystal Bay Khánh Sơn – Cam Lâm tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa với quy mô dự kiến hơn 3.173 ha.

Chọn mô hình quần thể nghỉ dưỡng kết hợp sân golf và đô thị sinh thái là một trong những chiến lược chính, đầu năm 2022, Tập đoàn FLC đã thông tin về việc khai trương, cũng như triển khai và ra mắt hàng loạt dự án nghỉ dưỡng trong năm nay với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, trải dài trên khắp cả nước.

Các dự án bao gồm giai đoạn 2 của Quần thể FLC Vĩnh Phúc (quy mô 216 ha, tổng vốn đầu tư 22.000 tỷ đồng), Quần thể FLC Phú Thọ (quy mô gần 250 ha, tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng), Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Hà Giang (quy mô gần 30 ha, tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng),… 

Một trong những công ty ôm nhiều dự án nghỉ dưỡng, Bamboo Capital (BCG) cũng cho biết kế hoạch mở bán trong năm nay với các dự án như Casa Marina Mũi Né (Bình Thuận, quy mô 1,21 ha, tổng vốn đầu tư 1.635 tỷ đồng), Malibu Hội An (Quảng Nam, quy mô 11 ha, tổng vốn đầu tư 2.811 tỷ đồng), Hội An D’or (Quảng Nam, quy mô 24,4 ha, tổng vốn đầu tư 3.918 tỷ đồng),…

Bên cạnh đó, một dự án nghỉ dưỡng khác tại Quy Nhơn, Bình Định là Phoenix Mountain (quy mô 33,5 ha, tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng) hiện đang được công ty đẩy mạnh hoàn thiện pháp lý.

Novaland đã công bố kế hoạch phát triển Khu du lịch vịnh Xuân Đài (Phú Yên) trở thành khu du lịch trong hệ thống du lịch của vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ. Bên cạnh đó, liên danh Novaland và CTCP Đầu tư Đất Tâm cũng đang có kế hoạch làm dự án khu du lịch sinh thái, tâm linh với quy mô 23.500 ha tại tỉnh Đắk Nông.

Công ty hiện cũng đang tích cực triển khai hai dự án nghỉ dưỡng trọng điểm là NovaWorld Hồ Tràm (Vũng Tàu) và NovaWorld Phan Thiết (Bình Thuận).

Bên cạnh đó, công ty con của Novaland, BĐS Thái Bình đang có kế hoạch hợp tác đầu tư phát triển dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp Bình Châu – Phước Bửu (Bà Rịa – Vũng Tàu, quy mô hơn 21 ha). Một doanh nghiệp khác có liên quan đến Novaland là BĐS Cát Liên Hoa cũng có kế hoạch đầu tư vào dự án Khu du lịch Quốc tế Hoàng Long tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận với quy mô gần 6,1 ha.

Cũng tại Bình Thuận, Năm Bảy Bảy (NBB) hiện đang đã ký hợp đồng tín dụng hạn mức 900 tỷ đồng với Vietcombank để đầu tư vào dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp khu dân cư De Lagi tại tỉnh Bình Thuận với tổng quy mô 124,7 ha, tổng vốn đầu tư 2.344 tỷ đồng. Trước đó, từ năm ngoái đến nay, Năm Bảy Bảy cùng các doanh nghiệp có liên quan đã liên tục rót hơn 500 tỷ đồng vào dự án này.

Một doanh nghiệp chuyên về ngành giáo dục, Apax Holdings của “shark” Nguyễn Ngọc Thủy cũng tham gia vào thị trường này với dự án Khu du lịch Hồng Quang Long Hải – Vũng Tàu nằm tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu, quy mô hơn 5 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 330 tỷ đồng. Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên công bố hồi tháng 2 vừa qua, công ty sẽ hợp tác đầu tư 300 tỷ đồng vào dự án này.

Bà Rịa – Vũng Tàu cũng là nơi “đặt chân” của của Phát Đạt (PDR) với hàng loạt dự án trong lĩnh vực nghỉ dưỡng, như Serenity Phước Hải, Poulo Condor – Côn Đảo, Tropicana Bến Thành Long Hải.

Trong đó, dự án Serenity Phước Hải dự kiến được thi công trong tháng 3 và mở bán trong tháng 5/2022, quy mô gần 7,4 ha, tổng vốn đầu tư gần 3.500 tỷ đồng, dự kiến đem về hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận gộp cho công ty trong năm nay.

Ngoài ra, Phát Đạt cũng đang sở hữu dự án Khu du lịch sinh thái Đoàn Ánh Dương tại Phú Quốc, Kiên Giang và dự kiến sẽ được giao đất trong tháng 6 này.

Tại Phú Quốc, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đang tập trung thi công Tổ hợp quần thể du lịch, giải trí với quy mô 34 ha, tổng mức đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng.

Tại khu vực phía Bắc, APEC Investment (API), Hacom Holdings hay Tập đoàn Intracom đều lần lượt công bố kế hoạch đầu tư các dự án du lịch tại các tỉnh Bắc Kạn, Quảng Trị, Lạng Sơn.

Trước đó, Cenland thông tin về việc đầu tư vào hai dự án thành phần là Khu B và Khu C thuộc dự án Khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Tại khu vực phía Bắc, APEC Investment (API), Hacom Holdings hay Tập đoàn Intracom đều lần lượt công bố kế hoạch đầu tư các dự án du lịch tại các tỉnh Bắc Kạn, Quảng Trị, Lạng Sơn.

Trước đó, Cenland thông tin về việc đầu tư vào hai dự án thành phần là Khu B và Khu C thuộc dự án Khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Cú hích đến từ mở cửa du lịch

Ngày 15/3 tới đây, các hoạt động du lịch của Việt Nam sẽ được chính thức mở cửa trong điều kiện bình thường mới. Theo đó, năm 2022, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ du khách ước tính đạt 400.000 tỷ đồng.

Theo nhận định của Savills, năm 2022, ngành khách sạn dự kiến sẽ đón nhiều dự án thương hiệu quốc tế đi vào hoạt động như Regent Phú Quốc, Voco Hotel Đà Nẵng, Best Western Plus Marvella Nha Trang, Radisson Resort Phan Thiết, Mercure Đà Lạt…

Trước đó, thông tin từ Savills, kể từ tháng 11/2021 đến nay, sau 4 tháng triển khai chương trình thí điểm hộ chiếu vắc-xin, Việt Nam đã đón gần 9.000 lượt khách quốc tế. 

Không chỉ khách quốc tế, lượng khách nội địa trong 9 ngày nghỉ lễ Tết Nguyên Đán 2022 đã đạt 6,1 triệu lượt và thu về doanh thu ước tính hơn 25.000 tỷ đồng, theo số liệu của Tổng cục Du lịch.

Bên cạnh đó, thông tin Luật Đầu tư sửa đổi 2020 và Luật Đất đai 2013 sửa đổi đang hoàn thiện nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến bất động sản nghỉ dưỡng khiến thị trường này năm 2022 được dự báo sẽ “bứt tốc” sau hai năm “ngủ đông” vì đại dịch. 

Đón đầu làn sóng này, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels APAC cho biết, nhiều chủ đầu tư và đơn vị vận hành khách sạn đã bắt đầu tái khởi động, triển khai các kế hoạch tuyển dụng và thúc đẩy các hoạt động marketing.

Song, không phải chỉ đến khi du lịch “rục rịch” kế hoạch mở cửa, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng mới bắt đầu trở nên sôi động. Trên thực tế, ngay trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, xu hướng nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe đã ngày càng được đặc biệt quan tâm.

“Nếu dịch bệnh được kiểm soát có lẽ thị trường này sẽ phục hồi nhanh nhất. Chính việc xuất hiện rất nhiều những loại hình du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe mà khách du lịch quan tâm sẽ gợi mở cho việc phát triển các bất động nghỉ dưỡng”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch từng chia sẻ tại đối thoại “Nhận diện xu hướng thị trường BĐS nghỉ dưỡng trong bối cảnh mới”. 

Hits: 3

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm